VAI TRÒ CỦA VIỆC PHÁT HIỆN SỚM RỐI LOẠN PHỔ TỰ KỶ Ở TRẺ EM

Thứ ba - 24/10/2023 03:19 1.361 0
Rối loạn phổ tự kỷ (RLPTK) là một loại khuyết tật phát triển tồn tại suốt đời, thường được thể hiện ra ngoài trong ba năm đầu đời, là hệ quả của rối loạn thần kinh, ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của não bộ, ảnh hưởng đến trẻ em và người lớn của nhiều quốc gia, không phân biệt giới tính, chủng tộc, hoặc điều kiện kinh tế xã hội, được đặc trưng bởi khiếm khuyết trong tương tác xã hội, các vấn đề về giao tiếp bằng lời nói và không bằng lời nói và có các hành vi, sở thích, hoạt động hạn hẹp, lặp đi lặp lại.
Nếu phát hiện sớm và can thiệp đúng cách, trẻ tự kỷ có cơ hội phát triển, hòa nhập tốt hơn và giảm các chi phí hỗ trợ học tập và chăm sóc về sau. Vì vậy, việc sàng lọc RLPTK có vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình điều trị chứng bệnh này. Khi tự kỷ được phát hiện và điều trị sớm sẽ giúp trẻ phát huy hết tiềm năng của mình.
* Các dấu hiệu nhận biết trẻ RLPTK
          Dấu hiệu nhận biết trẻ RLPTK là không giống nhau ở mỗi giai đoạn. Tuy nhiên, dựa trên những dấu hiệu cơ bản ở các giai đoạn phát triển giúp theo dõi các biểu hiện hành vi của trẻ. Các dấu hiệu nhận biết trẻ em RLPTK được chia làm 4 giai đoạn, cụ thể:
- Giai đoạn 1: Mới sinh đến 6 tháng tuổi
  • Dễ la hét, cáu giận.
  • Không với lấy đồ vật khi đưa trước mặt trẻ.
  • Không có những âm thanh bi bô.
  • Thiếu nụ cười giao tiếp.
  • Thiếu giao tiếp bằng mắt.
  • Không có phản ứng khi được kích thích.
  • Phát triển vận động có thể bình thường.
- Giai đoạn 2: Từ 6 đến 24 tháng
  • Không thích âu yếm, cơ thể có thể mềm yếu hay cứng nhắc khi được ôm.
  • Không thân thiện với cha mẹ.
  • Gọi tên hầu như không phản ứng đáp lại.
  • Không chơi các trò chơi xã hội đơn giản (“Ú à”, “Bye-bye”).
  • Chưa có dấu hiệu ngôn ngữ.
  • Dường như không quan tâm đến các đồ chơi của trẻ em.
  • Thích nhìn ngắm các bàn tay của mình.
  • Không nhai hoặc không chấp nhận những thức ăn cứng.
  • Thích đi kiễng chân – đi bằng 5 đầu ngón chân.
  • Thường phát ra các âm thanh vô nghĩa.
- Giai đoạn 3: Từ 2 đến 3 tuổi
  • Thích chơi một mình, không kết bạn,tránh giao tiếp.
  • Không biết gật đầu đồng ý và lắc đầu không đồng ý.
  • Không nói được từ có 2 tiếng trở lên khi đã 2 tuổi.
  • Tránh giao tiếp bằng mắt, không nhìn thẳng vào người đối diện.
  • Thích xem sách, tạp chí, các nhãn mác và logo quảng cáo.
  • Không đoán biết được những nguy hiểm.
  • Coi người khác như một công cụ; Kéo tay người khác khi muốn yêu cầu.
  • Thích ngửi hay liếm đồ vật.
  • Thích chạy vòng vòng, xoay vòng vòng và quay các loại bánh xe.
  • Chưa biết dùng ngón trỏ để chỉ điều trẻ muốn.
  • Ngưng nói ở bất cứ tuổi nào, dù trước đó đã biết nói.
  • Sử dụng đồ chơi không thích hợp.
  • Không có nỗi sợ giống trẻ bình thường, đồng thời có những hoảng sợ một cách vô cớ.
  • Không hợp tác với sự chỉ dẫn, dạy bảo của người lớn.
- Giai đoạn 4: Từ 4 đến 5 tuổi
  • Trẻ bị chậm nói, nếu có ngôn ngữ phát triển, có thể có chứng nhại lời (lặp lại theo kiểu học vẹt những gì người khác nói)
  • Giọng nói kỳ lạ (chẳng hạn như cách nhấn giọng hay đơn điệu).
  • Rất khó chịu khi thay đổi thói quen hàng ngày.
  • Có vẻ rất nhớ đường đi và địa điểm.
  • Giao tiếp mắt vẫn còn hạn chế, dù có thể đã có một số cải thiện.
  • Thích các con số và thích đọc tiếng nước ngoài.
  • Tương tác với người khác gia tăng nhưng vẫn còn hạn chế
  • Rất tốt khi thao tác các sản phẩm điện tử.
  • Các cơn giận và sự gây hấn vẫn tồn tại nhưng có thể dần dần cải thiện.
  • Thích nhìn nghiêng hay liếc mắt ngắm nghía đồ vật.
  • Tự làm tổn thương mình.
  • Không biết chơi tưởng tượng, chơi giả vờ, chơi đóng vai.
  • Tự kích động.
* Nguyên nhân của RLPTK
Cho đến nay các nhà khoa học cũng chưa có kết luận chính xác nguyên nhân của RLPTK. Hiện có nhiều nghiên cứu đang được tiến hành để trả lời câu hỏi đó và có một số điều được chấp nhận rộng rãi.
- RLPTK gây ra bởi cách phát triển của não bộ, có khả năng bắt đầu rất sớm trong quá trình phát triển.
- Không chỉ có một nguyên nhân dẫn đến RLPTK. Có khả năng có nhiều yếu tố có thể khiến cho một đứa trẻ có khả năng mắc RLPTK cao hơn (yếu tố di truyền, yếu tố thần kinh, yếu tố môi trường).
- Gen là một trong những yếu tố rủi ro. RLPTK thường mang tính di truyền. Một đứa trẻ có anh chị em hoặc cha mẹ mắc RLPTK cũng có khả năng mắc RLPTK cao hơn.
* Ai là người phát hiện giúp sàng lọc chẩn đoán sớm?
Cha mẹ và người chăm sóc chính của trẻ sẽ là người đầu tiên giúp phát hiện và sàng lọc sớm các nguy cơ rối loạn phổ tự kỷ trước khi đưa đến gặp các nhà chuyên môn. Vai trò của cha mẹ rất quan trọng trong quá trình theo dõi, chăm sóc con mình. Bởi chẳng một ai có thể gần gũi, thân cận hơn đối với trẻ bằng cha mẹ chúng. Để thực hiện tốt vai trò của mình trong việc phát hiện sớm các dấu hiệu buộc cha mẹ phải có kiến thức nhất định về RLPTK. Tuy nhiên điều này không khó, bởi trong thời kỳ số hóa, công nghệ 4.0, rất nhiều những trang web chính thống cung cấp cho chúng ta những thông tin ban đầu về tự kỷ, các dấu hiệu sớm lúc trẻ 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng tuổi,… Khi nhìn nhận rõ sự khác biệt, cha mẹ cần kịp thời đưa trẻ đến bác sĩ nhi, nhà tâm lý để được sàng lọc, chẩn đoán, phát hiện sớm để can thiệp sớm.
* Khi con mắc chứng tự kỷ, cha mẹ cần làm?
- Cho trẻ đi khám bác sĩ nhi, nhà tâm lý để được đánh giá và tư vấn.
- Chấp nhận những khiếm khuyết của con để hỗ trợ con sớm nhất có thể.
          - Sắp xếp công việc tại nơi làm việc, việc nhà và thời gian đồng hành cùng con.
          - Xây dựng môi trường sống an toàn, phù hợp cho con và gia đình
          - Tìm hiểu các cơ sở can thiệp, lựa chọn cơ sở phù hợp để cho con trị liệu, giáo dục đặc biệt lâu dài.
          - Tìm các nguồn tài liệu hữu ích để nâng cao kiến thức, phương pháp hỗ trợ con.
          - Tìm hiều các chính sách về giáo dục, y tế, xã hội dành cho trẻ và gia đình để có sự hỗ trợ cần thiết.
Theo thống kê, toàn tỉnh Nghệ An hiện có trên 40 Trung tâm chuyên biệt can thiệp trẻ bị RLPTK. Mặc dù số lượng Trung tâm chưa nhiều so với nhu cầu thực tế nhưng đã giúp phát hiện, can thiệp, hỗ trợ cho nhiều trẻ không may bị mắc chứng RLPTK. Khi phát hiện con em mình bị chứng RLPTK, phụ huynh hãy đưa trẻ đến ngay các trung tâm chuyên biệt để được đánh giá và tư vấn phương pháp hỗ trợ, can thiệp kịp thời.
Dưới đây là địa chỉ một số Trung tâm chuyên biệt trên địa bàn tỉnh:
  1. Bệnh viện Sản nhi Nghệ An, Số 19, đường Tôn Thất Tùng, TP Vinh.
  2. Quỹ Bảo trợ trẻ em Nghệ An, Số 117, Lê Hồng Phong, TP Vinh.
  3. Trung Tâm chuyên biệt Từng bước nhỏ Nghệ An, số 83, đường Lê Viết Thuật, xã Hưng Lộc, TP Vinh.
  4. Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Minh Anh, số 7- đường Xuân Thái, khối 6 phường Quán Bàu, TP Vinh.
  5. Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Biển Dương, số 01, ngõ 134, đường Nguyễn Thái Học, TP Vinh.
  6. Trung tâm Niềm Tin, số 11, đường Tuệ Tĩnh, phường Hà Huy Tập, TP Vinh.
  7. Trung tâm Từng bước nhỏ Diễn Châu, xóm 8, Diễn Thành, Diễn Châu.
  8. Trung tâm GDĐB Nắng Mai, khối 3 TT Yên Thành, huyện Yên Thành.
  9. Trung tâm Ngày mới, khối 6, TT Cầu Giát, Quỳnh Lưu.
  10.  Trung tâm chuyên biệt Bảo Anh, số 9, Võ Thúc Đồng, TT Dùng, Thanh Chương.
………………………………..


Tờ rơi tuyên truyền của Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Nghệ An về hội chứng r

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây