Tập huấn nâng cao năng lực nhận biết về trẻ tự kỷ, tư vấn và hỗ trợ pháp lý cho trẻ em

Thứ bảy - 11/12/2021 21:10 305 0

Thực hiện chương trình công tác, từ ngày 13/12 đến ngày 23/12/2021, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Nghệ An phối hợp với Trung tâm Phát triển kỹ năng và Tri thức công tác xã hội (thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) tổ chức các lớp tập huấn Online nhằm nâng cao năng lực về dấu hiệu nhận biết trẻ rối loạn phổ tự kỷ; kiến thức về trợ giúp pháp lý cho trẻ em; hội thảo báo cáo kết quả nghiên cứu và đối thoại với gia đình có trẻ tự kỷ liên quan tới nhu cầu bảo đảm quyền trẻ em của trẻ tự kỷ, người làm công tác với trẻ ở cộng đồng. Đây là Dự án của Quỹ Thúc đẩy sáng kiến Tư pháp, do Liên minh Châu Âu tài trợ và thuộc Quản lý bởi Bộ Tư Pháp và Oxfam tại Việt Nam.

Giảng viên của lớp tập huấn online là Tiến sỹ Lê Thị Hoàng Liễu – Nguyên Trưởng khoa dinh dưỡng, phòng khám thân thiện, Bệnh viện huyện Bình Chánh, Tp Hồ Chí Minh; Giảng viên Khoa Sư phạm – Đại học Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Tham gia lớp tập huấn, đội ngũ giáo viên, trị liệu viên, cán bộ làm công tác trẻ em đã được tìm hiểu về chứng rối loạn phổ tự kỷ, nguyên nhân gây tự kỷ, các dấu hiệu nhận biết sớm tự kỷ, tiếp cận các phương pháp giáo dục trẻ tự kỷ thích hợp và nâng cao nhận thức, chất lượng công tác chăm sóc trẻ tự kỷ. Bên cạnh đó, chuyên gia còn trang bị thêm kiến thức hỗ trợ vui chơi theo độ tuổi, kỹ năng giao tiếp sớm với trẻ rối loạn phổ tự kỷ; định hướng nghề nghiệp; chính sách, dịch vụ và giải pháp lao động cho người rối loạn phổ tự kỷ…

 

Ảnh: Đ/c Nguyễn Thị Lài – PGĐ Quỹ BTTE tỉnh Nghệ An phát biểu khai mạc tập huấn

Tự kỷ là một rối loạn về phát triển, biểu hiện đặc trưng bởi sự khiếm khuyết về chất lượng tương tác xã hội, giao tiếp và các biểu hiện hành vi định hình, rập khuôn, thu hẹp bất thường; kèm theo nhiều rối loạn về thực thể và tâm thần khác. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, cứ 1/100 trẻ mới sinh ra trên toàn cầu có dấu hiệu rối loạn phổ tự kỷ, cao hơn nhiều so với bệnh down, ung thư. Tháng 1/2019, Tổng cục Thống kê công bố Việt Nam hiện có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên (chiếm khoảng 6,5% dân số). Trong đó có khoảng 1 triệu người tự kỷ, tỉ lệ trẻ em mắc chứng tự kỷ ước tính là 1% số trẻ em sinh ra.

Truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng về rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ em để có thể nhận diện sớm và giúp trẻ được đánh giá, can thiệp sớm từ đó có cơ sở hòa nhập tốt. Theo bà Hoàng Thị Hường – Trưởng phòng Trợ giúp trẻ em, Qũy Bảo vệ trẻ em tỉnh, mục đích lớp tập huấn nhằm trang bị phương pháp đánh giá ban đầu đối với trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ. Sau khi nắm được kiến thức chuẩn, đội ngũ giáo viên nòng cốt sẽ hướng dẫn lại cho phụ huynh, cung cấp kiến thức chuyên môn cho gia đình có trẻ rối loạn phổ tự kỷ cần tư vấn. Cho đến nay, vẫn chưa có cách nào chữa khỏi hoàn toàn chứng phổ tự kỷ. Tuy nhiên trên thực tế, việc chẩn đoán để điều trị và can thiệp sớm có thể giúp trẻ rối loạn tự kỷ có thể cải thiện và hòa nhập xã hội tốt hơn nếu được chăm sóc, quan tâm đúng mức. Ngoài ra những trẻ này cần được học ngôn ngữ và xây dựng các kỹ năng xã hội..

                                                           Ảnh: Học viên tham gia lớp tập huấn

Vừa học vừa chơi với con!

Đây là lời khuyên tâm đắc của Tiến sỹ Lê Thị Hoàng Liễu, một chuyên gia về hỗ trợ giáo dục cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ. Không ai khác, cha mẹ chính là người bạn tốt nhất của con, bởi con ở cùng cha mẹ hàng ngày, việc vừa học vừa chơi với con của cha mẹ sẽ giúp con có được sự tương tác giao tiếp hàng ngày, rất tốt cho quá trình trị liệu. Vai trò của bố mẹ trong việc can thiệp cho con tự kỷ là rất lớn. Mặc dù các chuyên gia là người được trang bị kiến thức, kỹ năng và phương pháp, nhưng cha mẹ lại là người hiểu con, đồng hành với con hằng ngày, có thể kết nối với con dễ dàng hơn bất cứ ai, có thể tận dụng mọi cơ hội trong sinh hoạt gia đình để dạy con giao tiếp. Việc này sẽ lấy đi của cha mẹ rất nhiều công sức, thời gian và cả tài chính. Nhưng rất tiếc là không ai có thể thay thế được vai trò cha mẹ, trong nhiều năm liền. Đứng trước thực tế này, cha mẹ có con tự kỷ phải xem xét hoạch định thời gian, sắp xếp lại cuộc sống, sao cho có thể dành được nhiều thời gian nhất cho con.

Chúng tôi có dịp được chứng kiến cuộc trò chuyện, trao đổi của một bà mẹ có con bị rối loạn phổ tự kỷ đang trị liệu tại Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh, chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động và những tâm huyết của các bác sĩ, chuyên gia tâm lý khi họ truyền đạt những kiến thức, kỹ năng chăm sóc, hoạt động trị liệu cho các bậc phụ huynh về áp dụng tại nhà, tôi càng thấm thía lời khuyên của TS Liễu. Nhiều ví dụ đã chứng minh, cha mẹ kiên trì, đồng hành “lao tâm khổ tứ” trị liệu cùng con, trẻ mắc chứng tự kỷ được phát hiện và can thiệp kịp thời sẽ có nhiều cơ hội hòa nhập vào cuộc sống như bao trẻ em khác. Trong buổi tập huấn này, chúng tôi bắt gặp rất nhiều câu chuyện, mỗi bậc phụ huynh ở đây đều mang một nỗi niềm riêng, trong đó là sự vất vả không thể đong đếm khi họ đồng hành cùng con trên chặng đường trị liệu vô cùng gian nan.

Đừng để mất đi cơ hội vàng

Câu chuyện của chị Phan Thị H. (Tp Vinh) đong đầy nước mắt. Con trai thứ 2 của chị không có phản xạ như đứa lớn, chậm phát triển các kỹ năng giao tiếp xã hội, hành vi lặp đi lặp lại. Đến tuổi đi học mẹ cháu rất sợ cháu không theo học được như các bạn. “May mắn tôi cho con tới đây khám, nếu cứ để ở nhà thì mất đi cơ hội vàng”- chị H nói. Người phụ nữ nông thôn quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” bắt đầu học các kỹ năng, phương pháp chăm sóc và trị liệu cho con từ các giáo viên, trị liệu viên của Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Nghệ An. Tháng ngày trị liệu đằng đẵng kéo dài, trải qua biết bao vất vả, có những lúc bất lực tưởng chừng bỏ cuộc nhưng chị lại gắng gượng. Người mẹ vui mừng khoe với tôi: “Con giờ đây đi học đã biết đọc, ngoan và tiến bộ hơn rất nhiều, biết chơi với bạn”.

                                      Ảnh: Một giờ can thiệp nhóm cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ tại Qũy

Thạc sỹ Tôn Thị Trí – Phó Trưởng phòng Trợ giúp trẻ em, Quỹ BTTE tỉnh cho biết: “Cơ hội vàng của trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ là phát hiện sớm và trị liệu vào giai đoạn trẻ 24 tháng tuổi. Đây là thời điểm chẩn đoán rõ nhất, nếu để muộn can thiệp rất khó. Trước đây, rất nhiều trường hợp đến khám và tư vấn muộn, nhưng khi truyền thông thông qua các buổi tập huấn như trên về chứng rối loạn phổ tự kỷ phát triển thì tình trạng này đã được giảm bớt. Nhiều trẻ 17-18 tháng tuổi chưa biết nói, cha mẹ đã cho đến khám..”.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây