Tài liệu “Hỗ trợ hình ảnh cho trẻ em rối loạn phổ tự kỷ” được các chuyên gia hàng đầu về tâm lý học, giáo dục đặc biệt, ngôn ngữ trị liệu biên soạn. Đây là công cụ hỗ trợ cho phụ huynh, người chăm sóc trẻ tự kỷ tiếp cận một cách dễ dàng, ghi nhớ tốt hơn, và có thể thực hành hiệu quả với các em.
Cuốn sách “Hỗ trợ hình ảnh cho trẻ em rối loạn phổ tự kỷ” là một hoạt động nằm trong dự án “Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam”.
Dự án này là hoạt động hợp tác giữa Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và Công ty Cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận (Công ty PNJ). Kinh phí dành cho dự án là 10 tỷ đồng. Nội dung của tài liệu “Hỗ trợ hình ảnh cho trẻ em rối loạn phổ tự kỷ” là một hợp phần của bộ tài liệu “Hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ em tự kỷ tại Việt Nam” thuộc dự án nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam. Cuốn sách này được viết bởi ba tác giả là các chuyên gia hàng đầu về tâm lý học, giáo dục đặc biệt, ngôn ngữ trị liệu. Đồng thời, sách được các họa sĩ thiết kế hình ảnh đẹp, sinh động, thiết thực, nhằm mục đích trở thành công cụ hỗ trợ cho các cha mẹ, người chăm sóc trong quá trình chăm sóc - giáo dục trẻ có rối loạn phổ tự kỷ. Nội dung sách có ba phần chính: Hiểu biết về rối loạn phổ tự kỷ và hỗ trợ hình ảnh, vì sao cần hỗ trợ hình ảnh, dạy con bằng hình ảnh như thế nào. Toàn bộ cuốn tài liệu là các tri thức đúng và đã được cập nhật theo thời gian trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt. Bên cạnh đó, thông tin và các hướng dẫn phần lớn được trình bày dưới dạng hình ảnh, điều này giúp cho người đọc tiếp cận một cách dễ dàng, ghi nhớ tốt hơn, và có thể thực hành hiệu quả trên trẻ.
Trên thực tế thì việc dạy và học bằng hình ảnh là một cách thức thay thế và bổ trợ hữu ích cho tất cả mọi người trong nhiều tình huống khác nhau. Những cá nhân có rối loạn phổ tự kỷ cũng không nằm ngoài phạm vi này. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, thông tin trực quan được ánh xạ tốt hơn trong tâm trí của các học sinh. Học trực quan cũng giúp học sinh phát triển tư duy trực quan, đây được cho là một phong cách học tập mà theo đó, người học hiểu và lưu giữ thông tin tốt hơn bằng cách liên kết các ý tưởng, từ ngữ và khái niệm với hình ảnh. Một số lợi ích khác của học tập thông qua hình ảnh bao gồm: giúp người học nhìn vào vấn đề theo các cách thức khác nhau, tăng sự ghi nhớ đối với thông tin quan trọng, tăng hứng thú học tập…
Những trẻ có rối loạn phổ tự kỷ gặp khó khăn trong việc giao tiếp, tương tác xã hội qua lại. Trong đó, có không ít trẻ có khiếm khuyết ngôn ngữ, từ hoàn toàn không nói được cho đến chậm phát triển ngôn ngữ, hiểu lời kém, lời nói lặp lại, hoặc ngôn ngữ sáo rỗng và sử dụng ngôn ngữ hoàn toàn theo nghĩa đen. Điều này gây ra những hệ quả tiêu cực đến các hoạt động chức năng như sinh hoạt, học tập, phát triển và duy trì các mối quan hệ của trẻ. Do vậy, việc dạy và giúp trẻ có rối loạn phổ tự kỷ học tập và lĩnh hội thông tin bằng hình ảnh sẽ là một giải pháp tốt để có thể giải quyết được những khó khăn trong giao tiếp bằng ngôn ngữ.
Được biết, dự án "Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam" do Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam tập trung vào 5 mục tiêu cơ bản. Trước hết, biên tập và phát hành bộ tài liệu chuẩn về hỗ trợ trẻ em tự kỷ ở Việt Nam. Cùng với đó, đào tạo nâng cao năng lực 100 cán bộ nòng cốt (giảng viên nguồn) về tuyên truyền và hỗ trợ trẻ em tự kỷ. Bên cạnh đó, phổ biến kiến thức về tự kỷ cho 10.000 cha, mẹ, người chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em tự kỷ, người làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và cộng đồng. Tiếp đó, hỗ trợ 10.000 giáo viên, cán bộ dự án, cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tiếp cận và chuẩn hóa kiến thức về tự kỷ tại Việt Nam. Cuối cùng, thông qua kết quả phổ biến kiến thức có khoảng 4.000 trẻ em tự kỷ được hưởng lợi gián tiếp từ dự án để hòa nhập cộng đồng. Được hưởng lợi từ dự án, đợt này Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Nghệ An cũng đã được Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam trao tặng cuốn sách trên để hỗ trợ các giáo viên, trị liệu viên, phụ huynh trong việc chăm sóc và trị liệu cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ tại trung tâm./.