Khả năng tập trung chú ý của trẻ tiểu học
Hưởng ứng ngày Thế giới nhận thức về Tự kỷ 2/4, chúng tôi tiếp tục cung cấp những kiến thức về kỹ năng tập trung chú ý theo các độ tuổi của trẻ tiểu học cho các bậc phụ huynh có con mắc hội chứng tự kỷ và các rối loạn phát triển khác cùng tham khảo
1.Phân loại chú ý
Ở người, chú ý được chia thành 2 loại: không chủ định và có chủ định.
Chú ý không chủ định: là loại chú ý không có mục đích tự giác, không có biện pháp nào mà vẫn chú ý vào đối tượng được.
Chú ý có chủ định: là sự định hướng hoạt động do bản thân chủ thể đặt ra. Do bản thân xác định mục đích hành động nên chú ý có chủ định phụ thuộc nhiều vào chính mục đích và nhiệm vụ hành động. Loại chú ý này mang tính bền vững cao hơn. Tuy nhiên do cần phải có sự nỗ lực cố gắng nên nếu kéo dài thì dễ gây căng thẳng, mệt mỏi.
2.Đặc điểm chú ý của trẻ tiểu học
Với những trẻ ở đầu tuổi tiểu học, sự chú ý có chủ định còn yếu, khả năng kiểm soát, điều khiển chú ý còn hạn chế. Ở giai đoạn này chú ý không chủ định chiếm ưu thế hơn chú ý có chủ định. Lúc này, trẻ chỉ quan tâm chú ý đến những môn học, giờ học có đồ dùng trực quan sinh động, hấp dẫn có nhiều tranh ảnh, trò chơi hoặc có cô giáo xinh đẹp, dịu dàng,... Sự tập trung chú ý của trẻ còn yếu và thiếu tính bền vững, chưa thể tập trung lâu dài và dễ bị phân tán trong quá trình học tập.
Giai đoạn cuối tuổi tiểu học, trẻ dần hình thành kĩ năng tổ chức, điều chỉnh chú ý của mình. Chú ý có chủ định phát triển dần và chiếm ưu thế, ở trẻ đã có sự nỗ lực về ý chí trong hoạt động học tập như học thuộc một bài thơ, một công thức toán hay một bài hát dài,...
Giai đoạn này, trẻ buộc phải theo dõi các đối tượng, phải nắm lấy những hiểu biết mà tại thời điểm đó trẻ hoàn toàn không thích thú. Dần dần trẻ học được cách điều khiển chuyển và duy trì chú ý một cách bền vững đến những đối tượng cần thiết chứ không phải là những đối tượng có sự hấp dẫn bề ngoài. Trong sự chú ý của trẻ đã bắt đầu xuất hiện giới hạn của yếu tố thời gian, trẻ đã định lượng được khoảng thời gian cho phép để làm một việc nào đó và cố gắng hoàn thành công việc trong khoảng thời gian quy định.
3.Phát triển khả năng tập trung chú ý cho trẻ tiểu học
Từ những đặc điểm về khả năng tập trung chú ý của trẻ tiểu học, người lớn nên giao cho trẻ những công việc hay bài tập đòi hỏi sự chú ý của trẻ và nên giới hạn về mặt thời gian. Chú ý áp dụng linh động theo từng độ tuổi đầu hay cuối tuổi tiểu học và chú ý đến tính cá thể của trẻ, điều này là vô cùng quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả giáo dục trẻ.
Tôn trọng khả năng và mức độ trưởng thành trí tuệ của trẻ
Có những trẻ phát triển hơn về tinh thần và ngôn ngữ nhưng lại kém các bạn đồng lứa về mặt hoạt đông hoặc ngược lại. Vì vậy nếu con bạn có chậm hơn những trẻ cùng lứa trong sách vở hoặc ngoài đời một chút thì xin bạn cũng đừng vội thất vọng, đừng vội sốt ruột bắt trẻ phải tập luyện nhiều hơn.
Bạn nên lựa chọn những hoạt động phù hợp với khả năng và sở thích của trẻ. Trẻ chỉ có thể tập trung chú ý và làm tốt, có hiệu quả khi bé có hứng thú với hoạt động đó.
Tuyệt đối không nên dọa dẫm, đánh trẻ để ép trẻ ngồi vào bàn học hay làm việc gì bởi nếu có bị ép mà không có hứng thì trẻ cũng không để tâm vào việc đó và dĩ nhiên kết quả là không được gì. Bạn cũng đừng kỳ vọng nhiều, đừng đầu tư quá nhiều mong muốn của mình vào đứa con, vì nếu nó không đạt được mình sẽ thất vọng, và chính sự thất vọng của mình sẽ làm cho đứa con thất bại.
Nghỉ ngơi thích hợp
Tập trung chú ý thường diễn ra trong một thời gian ngắn. Trẻ tiểu học thường chỉ tập trung và duy trì sự chú ý liên tục trong khoảng từ 30 đến 35 phút. Vì vậy, sau khi trẻ học bài từ 30-35 phút, bạn nên cho trẻ nghỉ giải lao rồi mới học tiếp. Không nên bắt trẻ học bài liên tục trong vài giờ đồng hồ liền. Cũng không nên tranh thủ bắt trẻ học ở các thời gian trống vì như vậy càng làm cho trẻ căng thẳng, mệt mỏi, không tập trung học được mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Ngoài ra cũng cần cho trẻ vận động, tập thể dục hay tham gia chơi một môn thể thao nào đó. Việc này giúp máu luân chuyển đều khắp cơ thể và các hormone phản ứng, làm gia tăng hoạt động trí não, tăng độ nhạy bén.
Chế độ ăn uống
Dùng trứng trong bữa ăn sáng sẽ giúp cải thiện não bộ và duy trì khả năng tập trung cao cho trẻ.
Nếu không ăn sáng hoặc bữa ăn không đầy đủ, trẻ rất dễ bị hạ đường huyết làm giảm khả năng tập trung khi học. Khi bị hạ đường huyết thì dạng đường hấp thu nhanh như kẹo, sữa, nước đường… giúp hồi phục lượng đường trong máu nhanh chóng. Sau đó, cho trẻ ăn thêm cơm, hủ tiếu hoặc bánh mì… để giúp đường huyết ổn định lâu hơn, tăng khả năng tập trung đến cuối buổi học.
Ngoài ra, các chế phẩm từ sữa, cá, đậu nành, các loại đậu như đậu đen, đậu đỏ, carbohydrate trong trái cây, nước ép trái cây... cũng giúp tăng khả năng tập trung.
Cho trẻ tham gia vào các công việc nhà
Mục đích của mỗi một công việc đều phải đơn giản. Việc dạy trẻ cách sắp xếp đồ dùng và dọn dẹp bàn học có thể tăng khả năng tập trung, tính tự giác, tự lập của trẻ.
Trò chơi cờ vua
Chơi cờ vua không chỉ giúp trẻ lứa tuổi tiểu học tăng khả năng tập trung khi liên tục có những bài tập thể dục não bộ mà ở đó trẻ được đòi hỏi phải tập trung cao độ để đưa ra những đáp án tối ưu nhất cho mỗi một tình huống trên bàn cờ.
Tôn trọng sự tập trung, giúp trẻ tăng thêm hứng thú
Ở trẻ sự chú ý vô thức luôn chiếm vai trò chính, chỉ cần có chút thay đổi là sự chú ý vô thức sẽ lấn át sự chú ý có ý thức. Ngoài khả năng tập trung cao chú ý ổn định và cao độ ra, khả năng chuyển hướng chú ý của trẻ cũng rất mạnh. Trẻ có thể căn cứ theo yêu cầu mà chủ động và kịp thời chuyển sự chú ý từ đối tượng này sang đối tượng khác. Do đó, dù rộng hay hẹp, khu vực mà bạn bố trí để làm góc học tập hay không gian riêng cho con yêu phải đầy đủ ánh sáng và tuyệt đối yên tĩnh, tránh bố trí gần cửa ra vào khiến cho tinh thần bé không tập trung khi học hay làm bất cứ việc gì. Nếu trẻ học hăng say thì cũng không cần nghỉ, nếu trẻ học xong thì có thể nghỉ.
Bạn cần phải hy sinh thói quen và sở thích của mình khi trẻ đang học tập, nghiên cứu hay làm việc gì đó. Bạn đừng nên làm phiền hay cản trở, hãy để trẻ chuyên tâm vào hoàn tất công việc. Thậm chí để tạo hưng phấn học tập, làm việc cho con, bạn có thể ngồi đọc báo, hoặc làm việc, để trẻ thấy rằng mình cũng phải chăm chú, tập trung như bố mẹ, lấy bản thân làm gương để trẻ học tập.
Kém chú ý hiện nay là một tình trạng khá phổ biến trong giới học sinh, do nhiều nguyên nhân khác nhau. Điều này không chỉ làm giảm sút khả năng học tập mà còn có thể đưa đến những khó khăn về nhận thức và kỹ năng sống cho trẻ. Chúng ta có thể giúp các em phát triển khả năng chú ý của mình qua các biện pháp sau
4.Các yếu tố nâng cao sức chú ý:
Từ chú ý (attentive) có nguồn gốc từ tiếng La Tinh có nghĩa là "vươn ra" Nó gợi ý hình ảnh con ngựa xoay đôi tai hoặc con chim xoay đầu về hướng có tiếng động để nghe cho rõ hơn. Hướng chú ý tốt nhất cho một đứa trẻ là bé phải quay đầu về phía người đối diện, hay đang nói hoặc phải nhìn vào sự việc (Bài vở, hình ảnh ) có trước mắt. Sự chú ý của đôi mắt sẽ kéo theo sự tập trung hơn của đôi tai và cả những tư thế của cơ bắp.
Chúng ta chỉ có thể nâng cao khả năng chú ý khi biết vận dụng, hay huy động sự tham gia của càng nhiều giác quan càng tốt. Đây chính là "chìa khóa" để tập hợp các thông tin, hỗ trợ cho những tư duy logic liên kết các hình ảnh, âm thanh và ghi nhớ vào ký ức. Hãy giúp cho các em biết cách nghe trước, rồi nhìn, sau đó là đọc và viết hay vẽ lại những gì cần tiếp thu !
"Khi nghe người khác nói, hãy chú ý đến chính mình" lời khuyên của George Washington cho thấy, muốn có sự chú ý phải có sự tập trung không chỉ là các giác quan, mà còn là cách ngồi, và có các hành vi vô thức như nhịp chân, gõ ngón tay xuống bàn... Điều này giải thích tại sao các chương trình TV thường lôi cuốn trẻ em ( vì nó kích thích nhiều giác quan cùng một lúc ) và cũng là cơ sở để chúng ta có thể giúp trẻ học tập tốt hơn bằng những biện pháp tác động thông qua nhiều hình thức khác nhau. Hiện nay, nhiều phương pháp kích thích đa giác quan đã được áp dụng chủ yếu trong việc dạy ngoại ngữ cho trẻ. Vì thế, nếu phụ huynh mong muốn cải thiện khả năng chú ý hay nâng cao khả năng học tập cho trẻ, cũng có thể áp dụng các nguyên tắc này vào việc học nói chung và một số hoạt động trong ngày, để giúp cho trẻ có được một năng lực tốt trong việc biết tập trung sự chú ý của mình. Đây là một yếu tố quan trọng dẫn đến sự thành công sau này trong việc học của trẻ.
5. Những nguyên tắc giúp trẻ nâng cao sức chú ý vào việc học:
5.1. Hãy cảm thông với trẻ: bạn có thể nhận thấy trẻ khó chịu và bực mình khi phải ngồi một chỗ mặc dù chúng cũng rất muốn tập trung ngồi chơi hoặc ngồi học một cách tử tế, đừng vội mắng chúng. Bạn nên nhớ khả năng tập trung của trẻ không cao, vì vậy đừng bắt trẻ phải ngồi học suốt 1giờ liền,mà nên chia ra ít nhất 2 -3 đợt học. Mỗi đợt kéo dài từ 15 - 20 phút, sau đó sẽ để cho trẻ nghỉ ( chơi 1 trò chơi nhỏ khoản 5 phút ) Trẻ có thể uống nước, đứng lên đi lại một chút rồi mới bắt đầu vào đợt họcthứ 2-thứ 3
5.2. Giảm mọi âm thanh (nhạc, tivi...) có thể làm cho trẻ mất tập trung. Khi đến giờ bé ngồi vào bàn học hoặc làm một việc gì cần sự tập trung thì hãy tắt hay vặn nhỏ nhạc hoặc tivi đi.
5.3. Ngồi cùng với trẻ: kết quả nghiên cứu cho thấy rằng một đứa bé ngồi học lâu hơn nếu có cha hoặc mẹ ngồi bên cạnh ( có thể làm một việc khác ) . Trẻ sẽ tập trung vào học lâu hơn vì bé cảm thấy yên lòng, thoải mái và dễ chịu khi có bạn ở bên cạnh với điều kiện bạn không phê bình hay lên án các hành vi kém tập trung của trẻ, mà chỉ khuyến khích trẻ.
5.4. Tạo góc học tập yên tĩnh: trẻ không thể tập trung nếu nơi bé ngồi học quá ồn ào hoặc bừa bãi. Tập sách phải luôn được sắp xếp gọn gàng, bút viết phải bỏ vào hộp, dẹp hết sách báo cũ...
5.5. Đặt mục tiêu sao cho bé có thể đạt được: đừng bao giờ nổi giận vì trẻ không thực hiện được mục tiêu mà bạn đề ra. Cơn giận của bạn sẽ làm cho trẻ thất vọng với chính bản thân mình và đánh mất dần lòng tự trọng. Bạn nên bắt đầu bằng một mục tiêu vừa phải. Hãy để trẻ giải quyết hay học các bài học dễ trước. Thiết lập khoảng thời gian thích hợp với trẻ, lúc đầu chỉ là 10 -15 phút, qua tuần sau có thể tăng lên 20 phút và vài tuần sau có thể lên đến 30 phút ( Cho một buổi học kéo dài 1 giờ )
5.6. Dần dần tăng thời gian trẻ cần phải tập trung cho hoạt động của mình: một khi trẻ đã đạt được sự tập trung trong khoảng thời gian bạn đề ra, hãy kéo dài thêm 30 giây nữa vào tối hôm sau. Hãy nói cho trẻ biết bạn đang làm gì và mục tiêu mới cần phải thực hiện.
5.7. Thời gian học và chơi phải xen kẽ với nhau: hãy để cho trẻ tự chọn chúng thích chơi trước hay sau hay giữa giờ học. Lúc trẻ chơi là lúc thư giãn và sau đó trẻ có thể tập trung tốt hơn. Cho trẻ chơi một khoảng thời gian thích hợp rồi nhắc nhở trẻ quay trở lại bàn học, tập trung làm và học cho hết bài.
5.8. Quan sát: có đôi khi trẻ có thể tập trung học lâu hơn thời gian bạn quy định, nếu vậy thì hãy tìm hiểu động lực nào giúp trẻ tập trung trong thời gian lâu như vậy? Trẻ thích làm bài tập này, trẻ thích ngồi học ở đây hoặc vì nguyên nhân nào khác?
5.9. Trao cho trẻ quyền làm chủ trong một số hoạt động: có sự khác biệt giữa giúp đỡ và trách nhiệm. Nếu bạn nghĩ đó là trách nhiệm của bạn thì trẻ sẽ phụ thuộc hẳn vào bạn. Khuyến khích trẻ tự chủ động làm mọi việc của chúng và thực hành kỹ năng tập trung.
5.10. Thường xuyên nói chuyện với giáo viên chủ nhiệm của trẻ: Tìm hiểu xem trẻ có tập trung học trong lớp không. Chia sẻ kinh nghiệm với giáo viên và cùng nhau tìm ra biện pháp tốt nhất để giúp trẻ tập trung tốt, học tốt.
6.Những điều gây ảnh hưởng đến sức chú ý
Khi tập cho trẻ ngồi vào bàn để bắt đầu chú ý vào việc học, chúng ta cần nhắc nhở trẻ ngồi ngay ngắn, người hơi vươn đến phía trước. Trên bàn ngoài cuốn vở, sách cần thiết cho sự tập trung thì không có những vật dụng linh tinh hay các loại sách khác, điều đó dễ khiến cho trẻ xao nhãng trong việc nhìn vào bài tập cần có sự chú ý.
Một chỗ ngồi học mà ồn ào với tiếng nhạc từ cassette, tiếng quảng cáo từ TV, tiếng người nhà nói chuyện, cười đùa hay cả tiếng xe cộ ngoài phố chắc chắn không phải là một môi trường tốt cho sự tập trung chú ý của trẻ. Ngoài ra chúng ta cũng nên biết rằng khả năng tập trung của trẻ thường khó mà kéo dài quá 30 phút. Vì vậy, trong khoảng thời gian từ 15 - 20 phút thôi, chúng ta nên cho trẻ nghỉ ngơi một chút trước khi tiếp tục việc học (Tập viết - vẽ ) hay trò chuyện (Tập đọc), và sau thời gian nghỉ ngơi độ 10 phút, chúng ta sẽ thay đổi cách dạy, như lúc nãy tập viết, thì bây giờ làm toán ... Trong một buổi học, ít nhất là phải có 3 hoạt động khác nhau : Viết ( tập đọc và tập viết chính tả) - làm toán - chơi quan sát ( Quan sát để nâng cao khả năng chú ý và tư duy logic ).
Để nâng cao sức chú ý của trẻ, chúng ta nên lồng ghép vào trong các hoạt động học tập một vài trò chơi như :
Quan sát và ghi nhớ nhanh: Cho trẻ xem qua trong 5 phút một cái khay trong đó có chứa 5 vật khác nhau ( ví dụ: Bút chì, gôm, chìa khóa, muỗng, kéo ...) sau đó lấy một tờ giấy hay một cái khăn đậy lại, bảo trẻ kể tên những vật mà trẻ vừa thấy.
Thử xem là gì: Bỏ 5 - 7 vật vào trong một cái túi xách, cho trẻ thò tay vào trong sờ các vật trên và nói tên vật mình vừa sờ được . Tùy theo khả năng để tăng độ khó qua hình dáng các vật.
Xem thiếu ai: Cho trẻ nhìn lên kệ đồ chơi có xếp 5 - 7 món đồ chơi khác nhau. Sau đó cho trẻ chơi một trò chơi vui khác, hay quay đi và dấu bớt một vật. Trong 3 phút trẻ phải gọi tên được vật vừa mới biến mất.
Tìm xem có bao nhiêu: vẽ trên trang giấy 3 loại hình : Hình tròn, hình tam giác và hình vuông với 3 màu khác nhau nhưng đan xen vào nhau - mỗi loại hình có độ 5 - 10 hình ( với yêu cầu trẻ biết đếm đến 10) sau đó yêu cầu trẻ tìm ra có bao nhiêu hình tròn, hình tam giác và hình chữ nhật ( số các hình này khác nhau ).
Khi đưa trẻ đi chơi ngoài công viên, khu nghỉ mát... ta cũng nên khuyến khích và nâng cao khả năng chú ý của trẻ trong việc quan sát thiên nhiên chung quanh. Tất cả những hoạt động này vừa giúp cho trẻ tăng khả năng chú ý, vừa giúp thêm cho trẻ một số vốn từ ngữ cần thiết và đặc biệt là gieo vào trong lòng trẻ lòng yêu mến thiên nhiên và tôn trọng môi trường xung quanh.
Tác giả bài viết: Phòng Truyền thông vận động