Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An có hơn 3.000 trẻ rối loạn phổ tự kỷ và trẻ rối loạn phát triển. Những trẻ này luôn luôn có nhu cầu được phát hiện sớm, can thiệp sớm để được hòa nhập với môi trường xã hội, được đến trường. Đây chính là mối quan tâm, niềm khát khao lớn nhất của các gia đình có trẻ khuyết tật nói chung và trẻ tự kỷ nói riêng.
Các chuyên gia tâm lí cho biết, tự kỷ là một loại khuyết tật phát triển kéo dài suốt đời, do rối loạn của hệ thần kinh gây ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ. Tự kỷ được biểu hiện ra bên ngoài bằng những khiếm khuyết về tương tác xã hội, khó khăn về giao tiếp ngôn ngữ và phi ngôn ngữ. Trẻ em mắc tự kỷ thường sống thu mình, ngại tiếp xúc, nếu không can thiệp, điều trị đúng cách và kịp thời có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của trẻ sau này.
Trẻ mắc chứng tự kỷ nếu được phát hiện sớm – can thiệp sớm sẽ có khả năng cao tự biết phục vụ bản thân, tự sinh hoạt và hòa nhập cộng đồng. Còn nếu không được phát hiện sớm và can thiệp khoa học thì các kỹ năng của trẻ sẽ khó phát triển, tiến bộ, thậm chí thoái lui, các kỹ năng tự phục vụ bản thân, kỹ năng sinh hoạt hàng ngày sẽ ngày càng trì trệ, khó hòa nhập cộng đồng. Vì vậy, trẻ tự kỉ cần được phát hiện sớm và can thiệp sớm.
Theo công bố của Bộ Lao động TB&XH, Tổng cục thống kê Việt Nam, tỉ lệ trẻ mắc chứng tự kỷ là 1/100. Ước tính số trẻ em mắc chứng tự kỉ của tỉnh Nghệ An là khoảng 3000 trẻ trong độ tuổi từ 0-6 tuổi. Số lượng trung tâm chuyên biệt can thiệp cho trẻ tự kỉ của tỉnh Nghệ An khoảng 20-25 trung tâm. Các trung tâm này chủ yếu tập trung tại các khu vực đông dân cư và có nền kinh tế khá giả, đáp ứng nhu cầu cho khoảng 1.250 trẻ.
Như vậy, hơn 1.500 trẻ khác đang chịu thiệt thòi vì chưa được hưởng quyền lợi được can thiệp phù hợp, đặc biệt là những trẻ thuộc hoàn cảnh gia đình khó khăn, trẻ thuộc vùng sâu, vùng xa. Cộng đồng gia đình trẻ tự kỷ đang rất cần có một chương trình hỗ trợ vừa khoa học, vừa phù hợp với hoàn cảnh gia đình, môi trường sinh sống của trẻ.
Các giáo viên ở trung tâm giảng dạy trẻ tự kỷ của Quỹ bảo trợ trẻ em Nghệ An cho biết, công việc dạy trẻ tự kỷ luôn phải chịu áp lực rất lớn. Mỗi đứa trẻ là một thế giới riêng đầy bí ẩn. Để tiếp xúc làm quen với trẻ đã khó, dạy trẻ làm theo ý mình là cả một nghệ thuật. Mỗi trẻ có một triệu chứng khác nhau nên cần có những giải pháp riêng biệt, có lúc mềm mỏng nhưng có thời điểm phải nghiêm khắc. Tất cả phụ thuộc vào độ nhạy bén, linh hoạt của người dạy. Công việc vất vả, khó khăn là vậy nhưng với họ, được nhìn thấy các cháu “tốt nghiệp” mà không phải quay lại lần thứ 2 mới hoàn toàn yên tâm. Nếu không có tình yêu thương, lòng nhẫn nại thì ít ai có thể gắn bó với nghề.
Hơn nữa, chăm sóc, giáo dục trẻ rối loạn tự kỷ không đơn giản như các trẻ em khác, vì đa số cháu đều gặp nhiều khó khăn trong mọi lĩnh vực phát triển như ngôn ngữ, giao tiếp xã hội, nhận thức, tự phục vụ…Vì vậy, chỉ có lòng yêu nghề, say mê với nghề mới giúp họ theo đuổi nghề nghiệp đến cùng. Tình yêu nghề phải được xuất phát từ tình yêu trẻ. “Chỉ khi bước vào công việc này mới hiểu những khó khăn của các giáo viên. Nhưng không vì thế mà chúng tôi than vãn hay chán nản, thay vào đó là luôn tự hứa với lòng mình cố gắng hơn nữa để giúp đỡ những cháu bé không may mắc chứng bệnh này. Với tôi, đây là công việc tôi yêu thích và thấy tự hào”, một giáo viên ở Quỹ bảo trợ trẻ em Nghệ An chia sẻ.
Công việc dạy trẻ tự kỷ khá phức tạp vì không hề có giáo án hay phương pháp cụ thể mà hầu hết là tùy vào tình trạng của từng trẻ để có cách dạy và trị liệu riêng. Hơn nữa, cùng một triệu chứng nhưng với mỗi trẻ lại có cách điều trị khác nhau. Do vậy, đòi hỏi người giáo viên phải có sự sáng tạo. Ngoài chuyên môn, mỗi ngày các cô đều tự trao dồi thêm kiến thức để phục vụ quá trình giảng dạy.
Đồng thời, việc điều trị cho trẻ tự kỷ bên cạnh sự nỗ lực của giáo viên cần có sự kết hợp chặt chẽ từ gia đình, nhà trường và xã hội. Các bậc phụ huynh nên dành nhiều thời gian quan tâm con trẻ để nhận biết sớm các triệu chứng trẻ tự kỷ và có phương pháp can thiệp sớm để giúp trẻ tiến bộ, sớm hoà nhập cộng đồng.
Ý kiến bạn đọc