Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ (2/4): Thấu hiểu và lan tỏa yêu thương
Chủ nhật - 31/03/2024 22:002730
Ngày 30-3, tại Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Nghệ An đã diễn ra chương trình Hưởng ứng ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ 2/4 với chủ đề “Thấu hiểu và lan tỏa yêu thương”. Tham dự chương trình có Ông Vi Ngọc Quỳnh, Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh; Ông Nguyễn Hữu Lâm – Giám đốc Doanh nghiệp Viên Nữ Audio; Ông Thái Thanh Thuỷ - đại diện Ekip Hạ Ân Media; lãnh đạo Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Nghệ An; các Trung tâm chuyên biệt trên địa bàn tỉnh; hơn 200 giáo viên, phụ huynh và các trẻ mắc tự kỷ đang được trị liệu, giáo dục tại Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh và các trung tâm.
Thấu hiểu và lan tỏa yêu thương Tự kỷ hiện không còn là cụm từ quá mới lạ với nhiều người trong xã hội; đây cũng không phải một căn bệnh “kỳ quái” hay do giáo dục tạo nên. Tự kỷ bản chất là một dạng rối loạn phát triển về nhiều mặt song chủ yếu là rối loạn về kỹ năng quan hệ xã hội, giao tiếp bằng lời nói và hành vi bất thường. Nếu được thấu hiểu và hỗ trợ, trẻ tự kỷ sẽ có cơ hội phát triển bản thân, hòa nhập cộng đồng, không trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Tự kỷ là một dạng rối loạn phát triển ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp và tương tác xã hội của trẻ. Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta cần hiểu rằng tự kỷ không phải là một căn bệnh, mà là một đặc điểm riêng biệt của mỗi cá nhân.Trẻ tự kỷ có những khả năng và tiềm năng riêng biệt. Nhiều trẻ có khả năng tập trung cao độ, tư duy logic và sáng tạo. Với sự hỗ trợ phù hợp, trẻ tự kỷ có thể phát triển và hòa nhập vào cộng đồng, trở thành những công dân có ích cho xã hội. Thấu hiểu là chìa khóa để tạo nên một môi trường hòa nhập cho người tự kỷ. Chúng ta cần hiểu rằng mỗi người tự kỷ là một cá nhân độc đáo, với những suy nghĩ, cảm xúc và nhu cầu riêng. Chúng ta cần tôn trọng những khác biệt của họ và hỗ trợ họ phát triển theo cách riêng của mình. Lan tỏa yêu thương là cách để chúng ta thể hiện sự quan tâm và đồng cảm với người tự kỷ. Hãy chấp nhận và bao dung với những khác biệt của họ, khuyến khích họ tham gia vào các hoạt động xã hội và tạo cơ hội cho họ hòa nhập vào cộng đồng. Trong khuôn khổ dự án “Thúc đẩy thực thi quyền trẻ em, đảm bảo trẻ em được tiếp cận với các nguồn hỗ trợ, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục đối với trẻ em bị hội chứng rối loạn phổ tự kỷ trên địa bàn tỉnh Nghệ An” do Liên Minh Châu Âu tài trợ, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh tổ chức chương trình Hưởng ứng ngày thế giới nhận thức về tự kỷ 2/4 với chủ đề: Thấu hiểu và lan tỏa yêu thương. Phát biểu tại chương trình, Ông Phan Sỹ Hiền – PGĐ Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh chia sẻ: “Ngày 2/4 hằng năm được Liên hợp quốc chọn là Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ, với mục đích kêu gọi cộng đồng tăng cường sự quan tâm và hiểu biết về hội chứng này. Hưởng ứng ngày này, hàng năm Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh luôn tổ chức các chương trình để trẻ mắc tự kỷ, phụ huynh và những người xung quanh có cơ hội được giao lưu, chia sẻ và đồng hành với nhau, qua đó kêu gọi sự quan tâm chia sẻ của cộng động đối với trẻ tự kỷ”.
Dịp này, Doanh nghiệp Viên nữ Audio trao tặng 10 suất quà theo hình thức Bảo trợ dài hạn với tổng kinh phí 60 triệu đồng cho 10 trẻ em bị mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn trên địa bàn tỉnh; đại diện Ekip Hạ Ân Media cũng trao tặng 5 triệu cho các trẻ tự kỷ.
Chấp nhận, bao dung và đồng hành cùng trẻ Khó khăn về giao tiếp và tương tác xã hội chính là những rào cản lớn khiến trẻ tự kỷ không thể truyền đạt mong muốn của mình với người khác hoặc không hiểu hết những điều diễn ra xung quanh. Ngược lại, cha mẹ, thầy cô cũng không dễ để nắm bắt hết mong muốn của trẻ. Do đó, trẻ có thể luôn ở trong trạng thái bất an, lo sợ. Bởi vậy, trẻ tự kỷ rất cần được quan tâm, chăm sóc, chia sẻ và giúp đỡ để cảm thấy yên tâm hơn. Với trẻ tự kỷ, tình yêu thương của mọi người là điều vô cùng quan trọng. Với mong muốn các em có cơ hội giao lưu, trải nghiệm và phát triển những kỹ năng của bản thân, cũng là dịp để mọi người có nhận thức đúng về tự kỷ, từ đó thấu hiểu và yêu thương nhiều hơn. Tại chương trình, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh đã tổ chức chuỗi các hoạt động vui chơi giao lưu giữa các trẻ, phụ huynh và giáo viên can thiệp trẻ tại các trung tâm chuyên biệt nhằm lan tỏa tới cộng đồng ý thức trách nhiệm cũng như cách hiểu đúng về trẻ có rối loạn phổ tự kỷ. Tại đây, trẻ tự kỷ được hòa mình trong bữa tiệc âm nhạc đầy sắc màu do chính các em tự kỷ đến từ các cơ sở chăm sóc, nuôi dạy trẻ tự kỷ biểu diễn. Các em còn được tham gia chơi các trò chơi: dán bóng theo hình, người phu kéo mo cau, kẹp bóng về đích, kiến tha mồi về tổ, bắn bong bóng.... Đặc biệt, các em được tham gia trải nghiệm bằng cách tham quan các gian hàng và mua các sản phẩm do trẻ tự kỷ làm ra như: tranh vẽ, sản phẩm thêu, đan... Qua chương trình này, bên cạnh tạo sân chơi cho trẻ, Ban tổ chức hy vọng góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng, kiến thức và sự đồng hành của cha mẹ sẽ là “liều thuốc” tốt nhất giúp trẻ tự kỷ có nhiều cơ hội được can thiệp điều trị nhằm cải thiện các khiếm khuyết về giao tiếp, tương tác, vui chơi hòa nhập….
Điều đặc biệt là trong khuôn khổ chương trình này, ban tổ chức còn bố trí “Góc trao gửi yêu thương” để trưng bày tranh, sản phẩm do trẻ em làm ra; tài liệu, sách tham khảo hỗ trợ phụ huynh. Tại đây, những tấm thiệp đã chuẩn bị sẵn để quý vị đại biểu, phụ huynh, thầy cô giáo trao gửi lời yêu thương, bày tỏ cảm xúc, mong muốn, điều ước chuyển đến cộng đồng về người tự kỷ nói riêng và người khuyết tật nói chung. Rất nhiều “thông điệp” yêu thương, sẻ chia, quan tâm đã được khách mời gửi đến các cháu.
Một đứa trẻ không may mắc hội chứng tự kỷ nếu được sinh ra trong một gia đình có cha mẹ hiểu biết, có điều kiện kinh tế và sự quan tâm, hỗ trợ thường xuyên sẽ có cơ hội hòa nhập tốt hơn một đứa trẻ sinh ra trong một gia đình cha mẹ thiếu hiểu biết và điều kiện kinh tế khó khăn. Vì vậy, để một đứa trẻ tự kỷ được phát hiện sớm, can thiệp sớm, có cơ hội hòa nhập cộng đồng thì rất cần sự chung tay giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Nếu thiếu đi một trong các vai trò ấy thì đứa trẻ mất đi cơ hội được can thiệp phù hợp, giảm khả năng phát triển tiến bộ và hòa nhập với cộng đồng như người bình thường. Một số hình ảnh tại chương trình: